Phong tục đón tết của người Trung Quốc (Phần 1)
Trong những ngày cận kề tết không khí trên khắp các đường phố trở nên nhộn nhịp tấp nập hơn. Trung Quốc là cái nôi văn hóa và phong tục về tết nguyên đán của họ cũng có rất nhiều đặc sắc.
Chúng ta cùng tìm hiểu về những phong tục tết truyền thống của người Trung Hoa.
Theo phong tục truyền thống, từ mồng tám tháng chạp đến tháng hai năm sau, trong thời gian gần hai tháng này đều thuộc về thời gian ăn tết, trong đó từ hai mươi ba tháng chạp đến tết Nguyên tiêu mười lăm tháng giêng là không khí ăn tết náo nhiệt nhất, đặc biệt ngày mồng một, mồng hai, mồng ba tháng giêng là ba ngày chính.
1. Đón tết
Mồng một tết là ngày đầu tiên của năm mới, người dân tổ chức nghi thức đón mừng thật phong phú đa dạng để chào đón mùa xuân lại về, mang đến cho buổi sáng ngày đầu tiên của năm mới một không khí vui tươi, cát tường, cũng mang đến một khởi đầu tốt lành cho một năm mới, để được những điềm báo trước trong cả năm phước lộc vào nhà, phú quý vinh quang.
Đón tết đốt pháo. Vào đúng nửa đêm giờ khắc chuẩn bị bước sang năm mới người ta đốt pháo, đây là nghi thức đón xuân vô cùng náo nhiệt. Lúc này pháo đón tết nhà nhà đều nổ vang rền, liên tục không ngừng hết đợt này đến đợt khác, ánh lửa tung tóe, kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ sau mới từ từ yên lặng lại.

Sáng sớm mồng một khắp nơi đều đốt “pháo khai môn”. Người ta luôn luôn thức sớm, người nam rửa mặt, rồi đi thắp nến, cúng trời đất, chư thần cùng ông bà tổ tiên, sau đó mở cửa đốt pháo, tục gọi là “pháo khai môn”. Tục đốt pháo khai môn thời xa xưa cũng là để xua đuổi tà ma dịch bệnh, cho nên pháo đốt càng lớn càng tốt, nếu như pháo bị lép hoặc tiếng nổ không đủ lớn tức là không được may mắn tốt lành. Có những nơi pháo khai môn phải đốt hai dây song song, có ý nghĩa là việc tốt thành đôi. Có những nơi lấy bốn đốt ba, còn dư một dây pháo, để cho năm mới luôn luôn có dư.
Xuân về, đất trời cũng đổi mới, có những nơi tổ chức lễ đón trời đất thật long trọng nghiêm túc. Ngày xưa, ở Hoài An Giang Tô, việc làm đầu tiên nhất vào mồng một tết chính là đón thiên địa. Sáng sớm ngày mồng một tết, chủ nhà đặt một cái bàn ở giữa nhà, trải khăn trải bàn màu đỏ, trên bàn đặt lò thắp hương, bệ nến, năm đôi đũa, năm cái chén, năm ly rượu, phía trước để một chậu lửa sắt, bên trên gác mười khúc củi, xếp thành hình chữ tỉnh (井), hai bên để hai khúc lau sậy, phía trên củi lại để thêm một vài nhánh thông. Vài tấm “quải đang” (làm bằng giấy đỏ hình chữ nhật, trên có khắc hoa), thỏi giấy vài quẻ, gọi là “chậu nguyên bảo”. Lễ do chủ nhà chủ trì, gia nhân đốt hương, nến, rót đầy rượu, dọn lên ba con vật tế nóng hỏi (một đầu lợn, bốn cái móng chân lợn, một con gà trống, một con cá chép). Đầu lợn để giữa, móng để hai bên đầu lợn, gà để bên trái, cá để bên phải; ngoài ra còn có vài cọng hành, phân ra làm hai, lấy giấy đỏ quấn sơ trên dưới hai đầu, cũng để vào hai bên . Những thứ này dọn thành hình chữ nhật, sau đó đặt lên bàn cúng. Chủ nhà dùng cái kẹp gấp cao su đốt rồi đưa ra tứ phía một lượt, sau đó tiếp tục dùng nó đốt chậu “nguyên bảo”, rồi quăng cao su ra khỏi cửa, lúc này gọi là lúc mở lớn cửa đón thiên địa.
Ngày xưa ở Tô Châu còn có một tập tục mang sắc thái riêng đó là “bái hỷ thần”. Năm mới mỗi nhà đều phải treo di ảnh của tổ tiên, chuẩn bị những thứ như hương đèn, trà quả, bánh tết. Chủ nhà áo mũ chỉnh tề dẫn vợ cùng các con lần lượt hướng về di ảnh bái lạy, cho đến tối tết Nguyên tiêu mới xếp di ảnh của tổ tiên lại. Những người bà con gần trong thân tộc phải đến bái tổ tiên. Anh em khác họ kết nghĩa kim lan, bạn bè thân thiết cũng phải dự bái di ảnh tổ tông. Đây chính là “bái hỷ thần” của Tô Châu.
Ngày xưa ở Hồ Châu Chiếc Giang, mồng một tết cũng có một số các phong tục tế trời đất quỷ thần nghinh đón năm mới. Lúc trời còn tờ mờ sáng, phải dọn lên những thứ như bánh trời tròn đất vuông, viên thuận phong, nước sạch v.v. đón trời. Tiễn thần về trời thì nên đốt pháo, sau đó mọi người trong gia đình ăn viên thuận phong. Ngày này còn là ngày sinh của trời phật, mọi người ăn mì thay cơm, tỏ ý chúc thần thọ lâu. Ngày này còn phải điều tra rõ chỗ ở của thần, người ta hướng về phía thần mà đi, gọi là “tẩu hỷ thần phương”. Có người chỉ đi vài bước, có người thành tâm tin tưởng thì đi rất xa.
Ngày xưa ở vùng Đông Hoan Quảng Đông, ngày mồng một tháng giêng, đại đa số các gia đình trước tiên chọn giờ lành làm lễ tế tổ tiên, đồ cúng là trà, rượu, cơm trắng, trái cây tươi, bánh tết, thức ăn chay. Trình tự cúng tổ tiên như sau: thắp hương, thắp nến, đốt “nguyên bảo”, đốt pháo, cả nhà theo thứ tự tuổi tác lớn nhỏ mà lạy linh vị tổ tiên. Nói chung là bàn thờ tổ tiên đèn đuốc sáng trưng, hương khói không dứt.
Ngày xưa ở vùng La Điền Hồ Bắc, sáng sớm ngày mồng một tết, mọi người đều phải đến từ đường tổ tiên bái tết, người trông giữ từ đường đã sớm chuẩn bị xong những đồ cúng tế dọn lên trước bài vị tổ tông, còn chuẩn bị một cái cây dài treo pháo, đợi đến khi người trong tộc đến liền châm lửa đốt pháo để đón tiếp mọi người đến cúng tổ tiên. Đợi khi làm lễ xong, người giữ từ đường có trái cây, thức ăn hoặc một bữa cơm sáng thịnh soạn đãi mọi người.
Ở phía tây Tứ Xuyên thời xưa, trong lò thắp hương ở trước thần vị tổ tiên là một nén hương dài khói nhẹ phất phơ, ánh sáng ngọn nến hồng làm sáng rực cả từ đường, tiếng chuông đồng vang lên từng hồi từng hồi, bao trùm một bầu không khí hết sức trang nghiêm. Lúc này, trưởng bối dẫn đầu nam nữ lão ấu, nam đứng bên trái, nữ đứng bên phải, áo mũ chỉnh tề đứng thành hai hàng, hướng về thần vị tổ tông thắp hương, thắp nến, đốt giấy, theo thứ tự lớn nhỏ mà quỳ lạy ông bà tổ tiên, kính rượu, dâng cơm, đốt giấy tiền.
Vùng Đông Bắc ngày xưa, vừa đến đúng giờ tý của ngày mồng một tháng giêng đó, cả nhà lớn nhỏ đều phải thay áo mới mũ mới giày mới vớ mới, cúng bái tổ tiên, trước thần vị tổ tiên thắp nến, thắp hương, đốt giấy, đốt pháo, con cháu nội quỳ lạy theo lễ, gọi là “phát chỉ tiếp thần”.
Ở Bắc Kinh ngày xưa đến giờ tý mồng một tết, chủ nhà dẫn đầu cả nhà lớn nhỏ, đứng hai hàng, nam bên trái, nữ bên phải, y phục chỉnh tề, thắp hương đốt giấy trước thần vị tổ tiên, theo thứ tự lớn nhỏ mà quỳ lạy, nghi lễ rất long trọng.
Vùng phía đông Hà Nam ngày xưa, sau bữa cơm sáng ngày mồng một cả nhà lớn nhỏ đều phải tế tổ tiên, theo thứ tự tuổi tác, đồng thời theo giới tính nam trước nữ sau, cuối lạy sát đất từng lạy trước thần vị tổ tiên.
Ý nghĩa của cúng tế tổ tiên vào dịp tết có nguồn gốc xa xưa, làm lễ cúng tế tổ tiên mà cầu khấn tổ tiên phù hộ cho con cháu các thế hệ mãi được phồn vinh sung túc, cho nên khi cúng tế phải nghiêm túc, kính cẩn, thành tâm, thể hiện luân lý truyền thống của Trung Quốc .
Ngày Nguyên đán không phải là ngày đơn thuần bình thường, nó còn có ảnh hưởng đến hung kiết phước họa của cả năm, vì thế mà những điều cấm kỵ vào ngày đó đặc biệt nhiều, có thể đơn cử một số ví dụ như sau:
“Chính bất thú, lạp bất đinh” tháng giêng lập gia đình thì sẽ không sống đến đầu bạc răng long.
Tháng giêng kỵ phòng không, cho nên phụ nữ không được ở bên ngoài. Nếu như có nhà bạn bè thân vào nhà báo tin tang, thì trước tiên phải xé rách một góc tờ cáo phó để tránh xui xẻo.
Con gái tháng giêng không được may giày, sợ sẽ có chuyện tà.
Ngày Nguyên đán không được quét nhà không được vảy nước, sợ tán tài của.
Từ mồng một đến mồng năm tết không được đổ tro ra ngoài, nếu không thì năm đó sẽ phá sản.
Ngày Nguyên đán ra khỏi nhà mà gặp ni cô hòa thượng, thì năm đó trăm sự đều bất lợi.
Ngày Nguyên đán nấu bánh sủi cảo bị vỡ, kỵ nói vỡ, phải nói là “vùng ra khỏi”.
Các điều cấm kỵ nhiều vô số, thành một cái lưới bủa kín, quy phạm hành vi cử chỉ của con người. Tục tin rằng chỉ cần người ta tuân theo đúng những nguyên tắc đó, không được phạm vào điều cấm kỵ, thì sẽ không bị tai họa; bằng ngược lại, thì trong năm đó chắc chắn phải gặp điều chẳng lành.
2. Chúc tết – tiền mừng tuổi – thiệp chúc tết
Chúc tết là lễ tục giao tiếp xã hội của người dân Trung Quốc vào dịp xuân về. Mùa xuân là mùa tươi đẹp, bà con bạn bè thân thích đến từng nhà, vào nhà cùng chúc mừng lẫn nhau, nói lời mừng năm mới vui vẻ. Trong “Phạn thiên lư tùng lục” của Sài Ngạc nói: “nam nữ theo thứ tự lạy trưởng bối, chủ nhà dắt con đến nhà người thân bạn bè chúc tết hoặc là để con trai thay thế, gọi là “bái niên” (chúc tết).
Phong tục chúc tết đã có từ lâu. Tương truyền từ thời cổ đại xa xưa có một loài thú lạ, đầu có một cái sừng, miệng giống như chậu máu, người ta gọi nó là con “niên”. Mỗi khi đến tối ba mươi tháng chạp là nó ra khỏi rừng núi, cướp lương thực cắn người. Người ta đành phải chuẩn bị thịt để ở ngoài cửa, sau đó đóng chặt cửa cái lại trốn ở trong nhà, chỉ đến sáng ngày mồng một, “niên” sau khi ăn no bụng rồi mới đi, người ta mới mở cửa, nhìn qua nhìn lại hàng xóm, tỏ ra vui vẻ, chúc mừng lẫn nhau vì không bị “niên” ăn mất, thế là hình thành phong tục chúc tết. Điều này đương nhiên là sự giải thích có phần gò ép khiên cưỡng.
Hình thức biểu hiện của phong tục chúc tết ở các địa phương cũng đa dạng muôn màu.

Trong Phong tục của Bắc Kinh của Thường Nhân Xuân giới thiệu, tục chúc tết trước đây ở Bắc Kinh có bốn loại: một là đến nhà bà con, hai là đến thăm mang tính hình thức, ba là đến thăm mang tính cảm tạ, bốn là chúc tết mang hình thức đi qua cửa nhà. Ông giới thiệu thế này, quà mang theo chúc tết đại thể là rượu nổi tiếng trong ngoài nước, trà, pháo hoa, thức ăn nhà tự nấu, bánh, trái cây v.v..
Ở Hà Nam trung nguyên ngày xưa, người ta chúc tết từ lúc đón giao thừa đến nửa giờ tý. Tắm rửa lại sạch sẽ, mặc lễ phục, mang đồ lễ giống như là cúng tế đêm giao thừa, hương đèn thắp đầy đủ, pháo tranh nhau nổ, trong nhà từ lớn đến nhỏ theo thứ tự bái chúc tết với tổ tiên, thành thánh; sau đó người nhỏ bái chúc tết với người lớn. Đến nhà bạn bè thân chúc tết thường là đợi đến sáng hôm sau. Cũng có một số người không đợi được đến trời sáng đã đến nhà bạn bè chúc tết rồi. Những gia đình mà mình đến chúc tết nên là những gia đình có đủ trai gái, những gia đình thịnh vượng cha mẹ còn đủ là tốt, đến những nhà như vậy chúc tết, mình cũng được một chút tốt lành thịnh vượng như người ta. Đương nhiên những nhà được chúc tết hy vọng là người đến nhà chúc tết đầu tiên sẽ là một vị khách nhà thịnh vượng phát đạt. Đặc biệt, kỹ hơn một chút thì người đến nhà chúc tết đầu tiên phải là khách nam, nếu là khách nữ thì người ta cho là không may mắn. Cho nên ngày mồng một phụ nữ không nên ra đường nhiều, đến mồng hai họ mới có thể ra khỏi nhà đến nhà người thân chúc tết. Tuy nhiên, một số các em gái nhỏ còn chưa hiểu nhiều những tục lệ như vậy, ăn tết họ cũng vui vẻ như bọn con trai, cũng đi đây đi đó, nếu những em gái này là người đầu tiên chúc tết ở một nhà nào đó, thì sẽ bị chủ nhà trách móc và đuổi đi, xem họ như vật gì đó. Điều này ảnh hưởng của thời đại phong kiến kỳ thị phụ nữ, ngày nay quan niệm này đã nhạt dần, nhưng ở nông thôn tư tưởng này vẫn còn rất nặng nề.
Trên thực tế, ngày xưa có rất nhiều gia đình thuộc hàng trung lưu trở lên, chủ nhà từ chối khéo không gặp người chúc tết đầu tiên, chỉ để cho tiểu bối ở trước nhà cám ơn khách đã đến thăm nhà. Người khách cúi lạy trước bàn tổ tiên chủ nhà theo lễ “thần tam quỷ tứ” (hướng về thần thánh thì lạy ba lạy, hướng về quỷ tức tổ tiên thì lạy bốn lạy), để lại một thiệp chúc tết rồi đi.
Ở vùng phía nam Hà Nam ngày xưa, chúc tết còn theo ngày giờ nghiêm ngặt, địa phương có câu nói là: “Sơ nhất tẩu tự gia, sơ nhị sơ tam tẩu cựu gia, sơ tứ sơ ngũ tẩu cô gia”(mồng một ở tại nhà, mồng hai mồng ba đến nhà cậu, mồng bốn mồng năm đến nhà cô). Ngày mồng một tết, những người trong gia tộc chúc tết lẫn nhau, cho nên gọi là “tẩu tự gia”; mồng hai mồng ba đến nhà cậu nhà ông bà ngoại chúc tết. Qua hai ngày này tức đến mồng bốn trở đi đến nhà cậu thì cậu không được vui, điều này phản ánh tư tưởng “cựu quyền” thời cổ đại; mồng bốn mồng năm mới đến nhà cô chúc tết, cô tuy cùng họ với cha, song cuối cùng cũng là nữ lưu, là người của nhà người ta, cho nên đến chúc tết sau cùng. Trật tự này không thể làm sai được, nếu không thì vi phạm lễ tục truyền thống, có thể làm cho bà con giận.
Chúc tết thường là người nhỏ chúc tết cho người lớn, cũng có giữa bạn bè với nhau chúc tết, nhưng ở một số nơi “chúc tết” tổ tiên cũng rất long trọng. Ở vùng Hồ Châu, Chiếc Giang thời xưa, mồng một tháng giêng phải dâng cúng hoa quả bánh trái trước ảnh của tổ tiên, trưởng tộc dẫn con cháu lạy ảnh tổ tiên trước, chúc tết tổ tông; sau đó vãn bối mới chúc tết trưởng tộc; sau nữa mới đến giữa những người thân chúc tết với nhau; cuối cùng là đến nhà bạn bè chúc tết. Đến nhà bạn thân chúc tết cũng gọi là “bái tiết” (chúc tết), có khi chỉ để một thiệp chúc màu đỏ, không phải gặp mặt chúc mừng.
Trong tập tục chúc tết của Quảng Châu thời xưa, chúc tết đối với người hơi thân thiết cũng phải lạy tổ tiên của chủ nhà trước. Sau đây là một đoạn trong Tân niên phong tục chí của ông Lâu Tử Khuông:
Bọn trẻ, con gái cùng con trai, đều mặc quần áo mới màu xanh màu hồng, ăn xong cơm sáng, đến nhà bà con thân thuộc chúc tết. Mọi người gặp nhau liền nói “chúc mừng năm mới” hoặc là “chúc phát tài”. Nếu là người thân hơn một chút thì phải làm lễ trước di ảnh tổ tiên của người đó, làm lễ xong, chủ nhà mời ngồi, đem ra một hợp “bát bảo”, những thứ để trong hợp đều là mức hoa quả.
Chúc tết – hoạt động giao tiếp xã hội này cũng nhuốm đậm tư tưởng “hiếu” tôn kính người già. Ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, ngày mồng một không đợi đến trời sáng, người ta đã đi chúc tết rồi. Trên đường đi mà gặp một nhóm đi chúc tết khác, mọi người cùng họp nhau đi đến nhà của người già trong thôn. Khi gặp người già mọi người đều hướng về cụ nói câu “năm mới tốt lành”, các cụ còn hỏi thăm, đãi trà rượu. Chúc tết có thể làm tăng sự đoàn kết, ngày thường nếu có xích mích gì với nhau, tết đến mọi người gặp nhau đều nói câu “ăn tết vui vẻ”, những gút mắc nhỏ trước đây tự nhiên mất hết, mọi người lại hòa hảo như xưa.
Ở nông thôn Giang Tô thời xưa, cũng có một tục vô hình, phụ nữ mồng một tết không được đến nhà người khác chúc tết, giống như phong tục ở Hà Nam, người đầu tiên vào cửa chúc tết là phụ nữ, thì chủ nhà cho là không may mắn. Nơi đây, đón khách đến chúc tết, trong chén trà phải để hai trái táo hồng, ngoài ra còn có những thức ăn khác như lạc, dưa, kẹo, bánh v.v.. Khi muốn mời khách ăn lạc thì nói “trường sinh bất lão”, cầm dưa lên ăn thì nói “dưa sai chi chít”, lấy một viên kẹo ăn thì nói “mật mật ngọt ngọt”, khi uống trà hoặc ăn táo thì có càng nhiều câu nói, như “sớm sớm phát tài”, “sớm sinh quý tử”, “sớm cưới tân nương”, những năm gần đây lại có thêm những câu tốt lành dành cho học sinh như “sớm vào đại học”, “sớm thành tài”, v.v.. Vùng Dương Châu, Nghĩa Chinh còn có loại hợp sơn mài, hợp hình tròn hoặc hình vuông, có nắp, khi mời khách thì mở nắp hợp ra, trong hợp có phân thành những ô nhỏ, ô chính giữa để một trái quýt phúc lớn, các ô xung quanh chia ra để các loại bánh kẹo mức đủ màu sắc. Quýt (桔 ju) gần âm với chữ “cát” (吉 ji), hình dạng tròn trịa giống như kim nguyên bảo, màu sắc tươi sáng, được gọi là món cát tường. Sau ngày mồng một phụ nữ có thể đến nhà người thân chúc tết, lễ vật không thể thiếu trái quýt, người thân tặng trả lại cũng không thể thiếu trái quýt.
Người lớn đến nhà người thân bạn bè chúc tết có thể dắt theo con nít, đặc biệt là phụ nữ về nhà cha mẹ chúc tết càng thích đem trẻ con theo. Có khi chúc tết cho bà con hơi thân thiết, nếu nhà tương đối gần, bọn trẻ lại quen với nhà bà con này, người lớn dứt khoác không ra ngoài, chỉ để con cái mang lễ vật đi chúc tết trước. Bọn trẻ thích nhất là đến nhà bà con chúc tết, bởi vì chúng có thể nhận được tiền mừng tuổi của người lớn cho.
Tiền mừng tuổi được gọi là “áp tuế tiền” (压岁钱) “áp tuế tiền” (押岁钱), “áp thắng tiền” (压胜钱), “áp tụy tiền” (压祟钱), v.v.. Tiền mừng tuổi vốn dùng để đuổi tà, giúp trẻ con được bình an qua một năm, bởi vì tục tin rằng con nít hồn phách chưa vững chắc, dễ bị quỷ làm hại, cho nên lấy “áp tuế tiền” trấn thủ. Trong Áp tuế tiền thi của Tiền Ốc Thần đời Thanh viết rằng: “Tục rằng lấy sợi chỉ ngũ sắc xỏ tiền Thanh kết lại thành hình hoa rồi cho trẻ con, gọi là “tiền mừng tuổi”.
Khoảng từ đời Ngụy Tấn thời cổ đại Trung Quốc thì đã có tục ăn tết cho trẻ con tiền mừng tuổi. Lúc đó người ta cho rằng tiền mừng tuổi có tác dụng “yếm thắng” về phương diện ma thuật, hình dạng của nó giống như đồng tiền, trên có chữ hoặc hình cát tường, dùng để yếm tà ma. Ngày nay ở nông thôn Trung Quốc sau khi sinh em bé, trong khoảng thời gian từ vài tháng đến một hai tuổi, vẫn may cho em bé áo có đan “áp tuế tiền”, loại “áp tuế tiền” này có khi là đồng tiền xưa hình tròn lỗ vuông, có khi là trên một góc tiền xỏ một cái lỗ dẫn chỉ, may lên phía trước ngực áo. “Tuế” (岁 sui) và “tụy” (祟 sui) là đồng âm, “áp tuế tiền” gọi là “áp tụy tiền”, là bùa hộ thân đeo trên người của trẻ con. Loại “áp tụy tiền” này có tác dụng giống như là “áp tuế tiền” mà người lớn cho con nít khi ăn tết.
học tiếng trung online
Ngày xưa, những người lớn trong nhà sau bữa cơm tối giao thừa đều phải cho những đứa trẻ tiền mừng tuổi, phần lớn là lấy tiền đồng xỏ chỉ đỏ thành một xâu, số tiền đồng tương thích với độ tuổi của chúng, treo ở trước ngực của bọn trẻ, gọi là để trừ tà đuổi ma. Ngày nay cha mẹ cho con cái tiền mừng tuổi hoàn toàn không có ý nghĩa ma thuật “áp tụy”, chỉ là một hình thức để tỏ tình thương con. Nói chung, số tiền mừng tuổi này đều đưa cho mẹ, hoặc là mẹ để chung vào số tiền tích lũy gửi ngân hàng, hoặc là mẹ mua áo, mua đồ chơi cho con.
Các nhà quan quyền, nhã sĩ văn nhân thời xưa, ngày thường giao tiếp rộng rãi, khi đến tết không thể đến từng nhà người quen chúc tết được, nên đã xuất hiện hình thức gửi thiệp chúc mừng lẫn nhau thay cho đến nhà chúc tết. “Hạ niên thiếp” (thiệp chúc tết) còn gọi là “bái niên thiếp”, “hạ niên phiến”, có xuất xứ từ “danh thích” từ thời cổ đại xa xưa. Theo nghiên cứu của Triệu Dực đời Thanh: người cổ đại khi giới thiệu họ tên lẫn nhau, lúc đó không có giấy, người ta chuốt nhọn cây tre để khắc họ tên, đến đời Hán gọi là “yết”, cuối đời Hán gọi là “thích”, sau đời Hán tuy dùng giấy để viết họ tên, nhưng vẫn dùng cách gọi cũ, gọi là “thích”, tức là “danh thích”. Thời Lục triều gọi tắt là “danh”, đời Đường gọi là “môn trạng”, đời Tống gọi là “môn thích”, “thủ thích”. “Danh thích” vốn có tác dụng đề họ tên, địa chỉ giới thiệu lẫn nhau, loại như danh thiếp ngày nay, nhưng đến đời Tống nó xuất hiện một công dụng khác đó là chúc tết.
Đời Tống, cùng với sự phát triển của kinh tế thành thị, thành thị hình thành phong tục tập quán mới. Ngày xuân ở Trung Quốc vốn có tập tục người thân bạn bè chúc tết lẫn nhau, người thân bạn bè khi gặp nhau đều chúc lẫn nhau câu năm mới cát tường như ý, ngày càng phát triển. Thế nhưng cuộc sống ở thành thị mối quan hệ giữa người với người phức tạp đa dạng hơn, đến từng gia đình, gặp mặt từng người để chúc tết thật là không xuể hết, đặc biệt là giới thương nhân và quan lại, ngày thường họ tiếp xúc với không biết bao nhiêu người, trong những ngày tết ngắn ngủi không có thuật phân thân để có thể đến chúc tết toàn bộ các nhà từ quan lớn đến bà con bạn bè hàng xóm. Thế là họ viết trên danh thiếp họ tên và địa chỉ của mình, viết thêm một số câu chúc tết, không phải tự thân họ đi mà là sai gia nhân lần lượt mang đến từng nhà từng nhà thay cho chúc tết. Loại thiệp này thường làm bằng giấy viết thư, rộng khoảng hai tấc dài khoảng ba tấc, trên thiệp ngoài viết tên họ, địa chỉ của người gửi ra, còn viết những câu chúc tết. Lời chúc tết thiệp nào cũng như thiệp nấy, nội dung chẳng có chút gì chân thật và đúng đối tượng, không ít người có ác cảm đối với nó. Tư Mã Quang một học giả đời Tống gọi là: “một việc không thành tâm, không nên làm”. Nhưng có thiệp chúc tết dù sao cũng đỡ công sức người ta chạy tới chạy lui, cũng có tác dụng nhất định đối với sự kết nối tình cảm. Các thế hệ sau vẫn còn dùng. Đời Minh, tặng thiệp chúc tết lẫn nhau đã trở thành hình thức quan trọng của chúc tết trong dân gian, và đặc biệt thịnh hành trong giới quan thần kinh sư. Giới quan lại không hỏi quen biết hay không, đều nhìn vào cửa nhà mà gửi thiệp. Nhà văn Văn Vi Minh đời Minh trong “Văn đãi chiêu tập” có bài thơ “bái niên thi” rằng:
Bất cầu kiến diện duy thông yết,
Danh chỉ triều lai mãn tệ lư;
Ngã diệt tùy nhân đầu số chỉ
Thế gian hiềm giản bất hiềm hư.
Bài thơ này là châm biếm sự giả dối của hành động gửi thiệp. Nhưng ở thời đại phong kiến, hành vi khách sáo giả dối này lại không thể thiếu được, thử nghĩ xem đến bản thân người châm biếm cũng “tùy nhân đầu số chỉ” rồi. Còn có một số thư sinh thanh bần, có danh thiếp lại không có gia nhân đi gửi thiệp, bèn nghĩ ra những chiêu không chính đáng, để làm trò cười.
Có một văn nhân mưu toan hư vinh tên là Ngô Tứ Trượng, anh ta muốn gửi “danh thích” cho bạn bè người thân nhưng không có gia nhân, tự mình đi gửi thì cảm thấy bị lẫn lộn với đám gia đinh mà mất mặt văn nhân. Chính ngay lúc đó có một gia nhân của một vị công tử mang thiệp đến. Ngô Tứ Trượng nhanh chóng nghĩ ra một cách, gọi gia nhân của công tử Thẩm đến nhà uống rượu, nhân cơ hội này lấy hết “danh thích” mà gia nhân này mang trong người, thay vào đó là “danh thích” của mình. Gia nhân lại không biết đọc chữ, sau khi rượu thịt no say bước loạng choạng đi gửi thiệp, như vậy Ngô Tứ Trượng đã mượn gia nhân của người ta đi gửi “danh thích” cho mình. Anh ta nghĩ ra cái kế thật tuyệt!
Năm Khang Hy đời Thanh bắt đầu xuất hiện một loại thiệp chúc tết làm bằng giấy cứng màu hồng, để trong một hộp gấm gọi là “bái hấp” (hộp chúc tết) tặng cho đối phương, có vẻ trang trọng hơn. Sau đó một số thương hiệu đang làm ăn phát đạt trước tết in các loại thiệp chúc tết tặng rộng rãi cho khách hàng. Đến cuối đời Thanh, dưới ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, đồng thời cũng do sự phát triển của bưu chính, mỗi khi năm mới công lịch hoặc lễ Giáng sinh, đa số đều tặng thiệp chúc mừng cho người thân bạn bè qua đường bưu điện, nhưng vẫn còn một số ít người trong thời gian dài (đến thập niên hai mươi ba mươi) còn giữ tập quán cho người đi gửi thiệp chúc tết khi tết đến.
Ngày nay, thiệp chúc tết hoàn toàn thay thế những loại như “danh thích” mang dấu ấn thời cổ đại. Thiệp chúc tết ngày nay là một công cụ giao tiếp không thể thiếu được vào năm mới công lịch, mỗi người đến thời điểm này đều có thể nhận được vài tấm, mười mấy tấm thậm chí là mấy chục tấm thiệp. Thiệp chúc tết ngày nay cũng nhiều loại đa dạng, in ấn sắc sảo, hình ảnh đẹp, đề thơ tình ý thâm sâu, dễ đi vào lòng người, lại thêm những chữ như rồng bay phượng múa, rất có giá trị giữ gìn làm kỷ niệm. Có thể nói thiệp chúc tết ngày nay không chỉ là công cụ thể hiện tình cảm, nó còn là một tác phẩm nghệ thuật tinh tế.
Phần tiếp theo: Phong tục đón tết của người Trung Quốc (Phần 2)