Hotline 09.4400.4400

KHÓA HỌC TIẾNG TRUNG GIAO TIẾP TỪ ĐẦU SẮP KHAI GIẢNG

[Tra cứu thành ngữ] Bách Niên Giai Lão

15/04/2020 - 36316 lượt xem

Bách niên giai lão là gì ?



Bách niên giai lão là một thành ngữ quen thuộc, thường được nghe, được dùng trong tiếng Việt. Về thành ngữ “bách niên giai lão”, Từ điển Hán Việt trích dẫn giảng “chúc tụng vợ chồng hòa mục trăm năm cùng già” và dẫn một câu trích từ hồi thứ 21 sách Nho lâm ngoại sử (hay còn gọi là Truyện làng nho, tiểu thuyết chương hồi của Ngô Kính Tử thời nhà Thanh, Trung Hoa - ĐNCT): “Chỉ nguyện nhĩ môn phu thê bách niên giai lão, đa tử đa tôn” (Chỉ mong tình nghĩa chồng vợ bách niên giai lão, đông con nhiều cháu). Trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều dùng từ “bách niên” (trăm năm) để nói về tình nghĩa vợ chồng bền chặt, dài lâu: “Chữ đồng lấy đấy làm ghi/ Mượn điều thất tịch mà thề bách niên” (thất tịch: đêm mồng 7 tháng 7 âm lịch, theo truyền thuyết Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau).

Bách niên giai lão trong tiếng trung là gì ?



Trong tiếng Hán, “giai lão” xuất hiện từ bộ Kinh Thi - một trong năm bộ sách kinh điển của Nho giáo, được sáng tác trong khoảng thời gian 500 năm, từ đầu thời Tây Chu (thế kỷ XI-771 TCN) đến giữa thời Xuân Thu (771-476 TCN). Trong bài Kích cổ 4 (Đánh trống 4), thiên Bội phong của sách này có câu: “Tử sinh khiết thoát,/ Dữ tử thành thuyết./ Chấp tử chi thủ,/ Dữ tử giai lão”. Dịch nghĩa: Chết sống hay xa cách,/ Đã cùng nàng thành lời thề ước./ Ta nắm tay nàng,/ (Hẹn ước) sẽ sống chung với nhau đến tuổi già. Tạ Quang Phát dịch thơ: Lúc tử sinh hay khi cách biệt,/ Chẳng bỏ nhau lời quyết thệ rồi./ Cầm tay nàng, hẹn mấy lời:/ Sống bên nhau mãi đến hồi già nua.

 “Bách niên giai lão” (百年偕老 / Bǎinián xiélǎo)
- 百年: trăm năm, năm không phải là con số cụ thể: Trăm năm biểu trưng cho đời một con người, cho tuổi thọ của một người.

- 偕老: cùng nhau chung sống đến già

Như vậy, thành ngữ “Bách niên giai lão” ngụ ý vợ chồng cùng nhau sống đến trăm tuổi, bên nhau đến già. Dùng để chỉ toàn bộ thời gian mà một người sống trên cõi đời này, nói chung. "Trăm năm trong cõi người ta" (Truyện Kiều - .Nguyễn Du). Người xưa có câu bách tuê vị kì , tức là, người ta chỉ sống được đến trăm tuổi là cùng. Nhưng thực tế có mấy ai sống được đến trăm tuổi. Bảy mươi tuổi cũng đã là "xưa nay hiếm" rồi! .Thành ngữ bách niên giai lão dùng trong lời chúc (cho các đôi vợ chồng lúc làm lễ kết hôn) được hạnh phúc lâu bền, chung sống cùng nhau đến trọn đời.
"Bữa cơm vậy mà ai cũng vui, ai cũng chúc cô dâu chú rề bách niên giai lão"  (Nguyễn Đình Thi, "Vỡ bờ").


Bách niên giai lão được dùng khi nào ?



Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng, dùng đúng thành ngữ này. Sau đây là một câu chuyện về cách dùng bách niên giai lão. Để mừng tân lang và tân giai nhân trong ngày họ thành thân, người ta dùng nhiều câu chúc rất tinh tế như: Nhị tính liên hôn thành đại lễ/ Bách niên giai lão lạc trường xuân (Hai họ thông gia thành lễ lớn/ Trăm năm lên lão kéo dài xuân); Bạch đầu giai lão/ Vĩnh kết đồng tâm (Đầu bạc cùng già/ Đồng tâm kết mãi)…

Ngoài ra, còn có một thành ngữ tương tự là “bách niên hảo hợp (hiệp)” hoặc “bách niên hòa hiệp” (trăm năm sống với nhau tốt đẹp, hòa thuận).

“Bách niên hảo hợp” được gọi tắt thành bách hợp. Bách hợp cũng là cách gọi khác của loài hoa có tên hoa Lily (còn gọi là hoa Ly, hoa Loa kèn) - được xem là một trong những loài hoa được yêu thích nhất trên thế giới, tượng trưng cho hạnh phúc và nét thanh khiết.
 
Tại mỗi nền văn hóa khác nhau, Lily cũng có ý nghĩa khác nhau. Trong nền văn minh Assyria, hoa Lily được xem là hoa thánh. Thần thoại Hy Lạp lại cho rằng hoa ly là biểu tượng cho tình mẫu tử. Người Công giáo tin rằng, loài hoa này đại diện cho lòng trinh bạch, sự ngây thơ. Người Trung Quốc tin rằng, hoa ly mang đến may mắn (đặc biệt là phong thủy). Vì cái tên bách hợp (trong “Bách niên hảo hợp” - trăm năm hạnh phúc hòa hợp) nên hoa ly hay được dùng trong các đám cưới của người Trung Quốc.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng, dùng đúng thành ngữ này. Sau đây là một câu chuyện về cách dùng bách niên giai lão. Tôi xin kể lại một câu chuyện các sử dụng câu nói này như sau : Hôm đó khá đông học sinh đang xem phim truyện. Thấy cảnh một thanh niên chào và chúc bà cụ: “Cháu chúc bà bách niên giai lão!” ở trong phim, thì cả tốp bạn đã nổ ra một cuộc bàn cãi.

Một cô gái bảo: “Nói với cụ bà mà lại dùng “giai lão” là không đúng, là lầm lẫn giới tính. Cách nói này chỉ dùng để chúc đàn ông, con trai thôi”.

Nhiều ý kiến nhao nhao đồng tình, rồi một thanh niên đứng phắt dậy bảo: “Tớ lại nghĩ khác. Sao bạn lại hiểu giai trong bách niên giai lão là con giai? Giai ở đây là yếu tố Hán - Việt có nghĩa “đẹp, tốt”, như các từ giai nhân (người đẹp), giai điệu (điệu nhạc hay, đẹp), giai thoại (câu chuyện hay, lí thú),… Và như vậy người ta chúc bà cụ giai lão (tức là đẹp lão) là hoàn toàn phù hợp. Sao lại không”.

Lặng đi một lúc với nhiều tiếng xì xào, rồi ai đó cất giọng: “Ê, ê… , “học giả” ơi, thế giai cấp là gì? Là “cấp đẹp” à? Hay “cấp con giai”? Xin “học giả” chỉ giáo cho!”. Khó quá, đến đây thì như ong vỡ tổ. Cuối cùng họ thống nhất để ngày mai sẽ hỏi cô giáo trong giờ tiếng Việt.

Ngày hôm sau nghe chuyện, cô giáo cười rất vui:
- Cô rất mừng, vì các em quan tâm tới cách dùng từ ngữ cả trong lúc vui chơi. Bách niên giai lão là thành ngữ hay dùng, nhưng nó là thành ngữ Hán - Việt, hiểu kĩ thì dùng sẽ rất hay. Đây là thành ngữ gốc Hán, Đại từ điển Hán ngữ và Từ điển Việt – Hán của Lôi Hàng, của Hà Thành đều ghi rõ bách niên giai lão. Chúng ta tìm hiểi kĩ hơn các yếu tố cấu tạo. Trong bách niên giai lão thì bách là “một trăm” (bách hoá, bách khoa, bách phát bách trúng,…); niên là “năm, hoặc tuổi” (niên học, niên khoá,..; bạn vong niên, vị thành niên,…); lão là “già, người già” (lão hoá, lão suy, …; bô lão, dưỡng lão, kính lão đắc thọ); chỉ có giai là khó hiểu. Tất nhiên ở đây giai không phải là “con giai”, một yếu tố thuần Việt, cũng không phải là “đẹp”. Yếu tố giai này có nghĩa là “cùng nhau”. Và bách niên giai lão có nghĩa “cùng sống với nhau đến trăm tuổi, đến lúc già”. Hiện nay, thành ngữ thường dùng trong đám cưới hay chúc vợ chông mới cưới, mong họ có hạnh phúc bền lâu, sống với nhau đến lúc đầu bạc răng long. Ví dụ: Chúc cô dâu chú rể bách niên giai lão; Kinh Đô chúc tân lang và tân nương bách niên giai lão…

Trong tiếng Hán giai lão đã xuất hiện từ bộ Kinh thi. Trong bài (Kích cổ: Đánh trống; thiên Bội phong) có câu “Chấp tử chi thủ, Dữ tử giai lão: Nắm chặt tay em, Cùng em (sống đến già)”, tả tâm trạng của người nước Vệ khi đi chinh chiến xuống phía Nam vẫn luôn nhớ mong, thề thốt với người yêu. Sau đó giai lão thường được dùng để nói về tình cảm vợ chồng thuỷ chung, hạnh phúc.

Bách niên giai lão đã được dùng trong câu “Chỉ nguyện nhĩ môn phu phụ bách niên giai lão, đa tử đa tôn: Chỉ mong tình nghĩa chồng vợ bách niên giai lão, đông con nhiều cháu” ở tác phẩm Chuyện làng Nho của Ngô Kính Tử.

Còn bách niên (trăm năm) cũng được dùng để nói về tình nghĩa vợ chồng bền chặt, dài lâu: “Chữ đồng lấy đấy làm ghi, Mượn điều thấy tịch mà thề bách niên”. (Cung oán ngâm khúc¸Nguyễn Gia Thiều) trong đó thất tịch: đêm mồng bảy tháng bảy âm lịch, theo truyền thuyết Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Hoặc lời Phạm Tải nói với Ngọc Hoa trong Truyện nôm Phạm Tải Ngọc Hoa: “Tưởng là vẹn đạo xướng tuỳ, Cho nên vàng đá chót thề bách niên”. Tuy nhiên, bách niên cũng như trăm năm trong tiếng Việt còn có nghĩa “một đời, suốt đời”. Ví dụ ở bài Lên cao của Đỗ Phủ có câu: Vạn lí bi thu thường tác khách, Bách niên đa bệnh độc đăng đài; Nhà thơ Nam Trân dịch Thu quạng nghìn khơi lòng khách nao? Đài cao trăm bệnh chiếc thân mòn. Như vậy, cần dựa vào cảnh huống cụ thể để hiểu đúng được nghĩa của bách niên.

Trở lại lời chúc của anh thanh niên nọ trên phim truyền hình. Khi chúc cụ bà bách niên giai lão người chúc đã có hai chỗ sai. Thứ nhất, anh ta hiểu sai thành ngữ Hán - Việt này: chỉ nhận biết đại khái ở đây có “trăm tuổi (bách niên)”, có “già (lão)”; người già được trăm tuổi là quá tuyệt vời. Rồi chẳng cần biết giai là gì, anh đã thay câu chúc thông thường “Chúc bà mạnh khoẻ sống lâu” bằng bách niên giai lãoI để nghe có vẻ súc tích, uyên thâm. Thứ hai, từ cách hiểu sai thành ngữ dẫn tới cảnh huống dùng thành ngữ sai. Bách niên giai lão (“cùng sống với nhau đến già”) luôn luôn nói về quan hệ tình cảm, cảnh chung sống hạnh phúc chọn vẹn của hai người (vợ chồng, người yêu), còn anh thanh niên lại dùng để chúc tuổi thọ cụ già, tức nói về một người, một đối tượng nào đó. Việc không hiểu hoặc hiểu không đúng yếu tố giai (= cùng nhau; một người không thể cùng nhau) dẫn tới cách dùng sai như trên.

Tuy nhiên, vẫn có thể gặp trong tiếng Việt, nhất là văn thơ cổ, thành ngữ bách niên giai lão với phạm vi nghĩa rộng hơn. Ví dụ, trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn có câu: “…chẳng những gia quyến của ta được yên ấm gối chăn, mà vợ con các ngươi cũng được bách niên giai lão…” thì bách niên giai lão nói về cuộc sống gia đình hạnh phúc, bền lâu, chứ không còn đơn thuần chỉ là lời chúc. Hoặc, một câu khác: “Một thơ giai lão lên lời chúc, Đôi chữ thừa loan mượn chén khuyên.” (Thơ nôm “Lâm tuyền kì ngộ”, bài “Tôn Sinh bái tạ phụ mẫu”). Các tác giả phiên âm và giới thiệu (Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San) đã chú giải: “giai lão bởi chữ bách niên giai lão “cùng sống trăm năm đến tuổi già”; ý nói: Tôn Sinh làm thơ chúc mừng cha mẹ cùng vui sống tuổi già”. Lúc này bách niên giai lão không chúc hạnh phúc lứa đôi đối với người mới cưới, còn trẻ, mà nhấn mạnh ý “cùng nhau vui sống đến già hay ở tuổi già”.

Song, cũng phải thừa nhận bách niên giai lão là thành ngữ khó, chữ giai với nghĩa “cùng nhau” chỉ được tiếng Việt mượn dùng duy nhất trong thành ngữ này, chưa đi vào tiềm thức người Việt. Nó khác với chữ giai là “đẹp, tốt đẹp” trong giai âm, giai điệu, giai nhân, giai phẩm, giai thoại, giai tế, …, và chữ giai là “bậc” trong giai cấp, giai tầng, giai đoạn, âm giai, văn giai,.. Do vậy, hiện tượng dùng sai bách niên giai lão như anh thanh niên nọ vẫn lác đác gặp phải trong đời sống. Chẳng hạn, trên mạng Internet (Google, ngày 4/12/06) vẫn gặp những câu viết sai như: *Cụ sống vui vẻ và thọ đến bách niên giai lão; *Ước mơ bách niên giai lão của con người; *Bách niên giai lão với người già, hay ăn chóng lớn với trẻ nhỏ, v,v. Hiện tượng này, trước đây đã có lần Bác Hồ phê bình thân mật các nhà báo. Lần đó “Bác cười và nhắc lại với mọi người: Họ chúc Bác bách niên giai lão mà báo cũng đăng đấy!” (dẫn theo Thành ngữ tiếng Việt, Nguyễn Lực, Lương Văn Đang, NXB Khoa học xã hội, H. 1978, tr49). Để dùng đúng các ví dụ trong các cảnh huống nói trên, cũng như trong câu Bác Hồ đã nhắc nhở, cần thay bách niên giai lão bằng trăm tuổi, hay sống lâu trăm tuổi.



Tư vấn hỗ trợ miễn phí 24/7!
Your name
Your email
Friend's email
Mail Subject
Content
Bình luận Facebook
Đăng ký học thử MIỄN PHÍ
(Chương trình dành riêng cho các bạn muốn cải thiện trình độ NGHE và NÓI tiếng Trung của mình)
Gửi đăng ký
Gọi ngay Hotline để đăng ký nhanh hơn 09.4400.4400