Hotline 09.4400.4400

KHÓA HỌC TIẾNG TRUNG GIAO TIẾP TỪ ĐẦU SẮP KHAI GIẢNG

NHẬN XÉT CỦA CÁC GIÁO VIÊN TRUNG TÂM KHÁC VIẾT VỀ CHÚNG TÔI

06/04/2015 - 6325 lượt xem
GIÁO VIÊN TRUNG TÂM KHÁC VIẾT VỀ CHÚNG TÔI

Nhìn từ góc độ tổng thể, các thầy cô đều là những người giỏi chuyên môn tiếng Trung, nghiệp vụ giảng dạy chuyên nghiệp, tâm huyết với nghề và yêu học trò. Mặc dù giờ học chỉ kéo dài 90 phút, song các thầy cô rất khéo léo đưa vào bài học đầy đủ các phương diện của tiếng Trung bao gồm: từ vựng, ngữ pháp, nghe, nói, đọc, viết. Bên cạnh đó, cách dẫn dắt tự nhiên, có sức lôi cuốn, kết hợp phương pháp liên tưởng, so sánh càng làm cho buổi học trở nên phong phú, thú vị và không hề áp lực với học trò.
Sau đây, tôi xin phép đưa ra nhận xét về từng buổi học do từng thầy cô đảm nhận.
 

1. Thầy giáo Phạm Dương Châu
 

So với lớp học ngoại ngữ thông thường, lớp học của thầy Châu đông học sinh hơn rất nhiều, nhưng không khí lớp học không vì thế mà bị loãng. Dưới sự điều khiển rất có hồn và phong cách truyền “lửa” tinh tế của thầy, các bạn học sinh trong lớp đều hăng say học và đặc biệt, tự tin nói, tự tin phát biểu, không ngại nói sai.
Thầy Châu không đặt nặng yêu cầu học sinh phát âm chuẩn, diễn đạt hay ngay từ những buổi đầu, mà thường xuyên khích lệ các bạn, dành cho các bạn những lời khen để các bạn cố gắng phát huy ưu điểm hoặc khắc phục nhược điểm qua từng ngày lên lớp. Đồng thời, thầy cũng tạo ra niềm hứng thú cho học trò, tạo không gian để các bạn học tập theo sở thích.
Giờ học của thầy có tiết tấu nhịp nhàng, không dồn ép dạy trọn vẹn một bài theo giáo trình trong vòng một buổi học. Tuy nhiên, thầy vẫn đưa vào đầy đủ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và dịch, nhờ vậy mà kích thích tinh thần ham học hỏi của học sinh. Xen kẽ giữa các kiến thức học thuật, đôi khi thầy cũng kể chuyện cho các bạn nghe. Những mẩu truyện nhỏ có thể liên quan đến tiếng Trung, Trung Quốc hoặc không, nhưng đều có tác dụng giúp các bạn học sinh giải lao ít phút mà không cần ra khỏi lớp học, hoặc giúp các bạn đúc kết những phương pháp học và sống hữu ích. Một vài lời nói đùa khéo léo được thầy đan cài trong giờ học không khiến các trò tự ái nhưng kéo gần khoảng cách thầy và trò, tạo không khí vui vẻ cho lớp học. 
Đặc biệt, phương pháp giảng dạy thú vị nhất của thầy Châu là học thông qua phim ảnh và ca nhạc. Với cách học này, học trò không chỉ được biết thêm sản phẩm giải trí, mà còn luyện phát âm, ngữ điệu; tích luỹ vốn từ vựng, ngữ pháp; nâng cao khả năng nghe hiểu và giúp các bạn ghi nhớ kiến thức hiệu quả.
Sau khi học bài khoá và làm bài tập cuối bài, thầy Châu thường yêu cầu các bạn làm việc theo cặp: một bạn đọc và một bạn dịch. Cách học này rất hay, tuy nhiên, thầy khá thả lỏng các bạn trong vấn đề dịch, các bạn dịch đúng ngữ pháp, chuẩn ngữ nghĩa nhưng diễn đạt chưa thực sự mượt mà thuần Việt. Theo góp ý của tôi, thầy nên góp ý thêm cho các bạn dùng từ, đại từ xưng hô phù hợp theo từng ngữ cảnh của bài viết. Ví dụ, đoạn hội thoại giữa hai người bạn, nên sử dụng đại từ nhân xưng linh hoạt: “cậu – tớ”, “bạn – mình”, “bạn – tớ”, thay vì lúc nào cũng dùng cặp đại từ “bạn – tôi”. Đây là góp ý duy nhất của tôi đối với giờ giảng của thầy Châu.
 

2. Cô giáo Vũ Thu Trang
 

Ngay từ những phút đầu tiên bước vào phòng học, cô Vũ Thu Trang đã ghi dấu ấn là một giáo viên đầy sức cuốn hút. Bất kể khi nói tiếng Trung hay tiếng Việt, cô đều giữ một chất giọng luyến láy ngọt ngào, trầm bổng, khiến người nghe bị lôi cuốn trọn vẹn.
Phương pháp giảng dạy của cô mang phong cách “mở”. Cô yêu cầu học sinh đọc bài mà không đọc mẫu, đặt các câu hỏi gợi mở để học sinh đưa ra ý kiến, đưa ra hai phạm trù ngữ pháp hoặc hai từ ngữ có điểm tương đồng để học sinh phân biệt. Sau đó, cô đọc một vài câu tiếng Việt và yêu cầu học sinh chuyển ngữ, tìm từ, cách diễn đạt chuẩn xác nhất tương đương trong tiếng Trung. Cách làm này tạo không gian lớn để học sinh tự tìm tòi, đào sâu suy nghĩ, đưa ra quan điểm và ghi nhớ kiến thức.
Khi học bài khoá, cô Trang trích dẫn một vài câu, cụm từ để cả lớp cùng phân tích hiện tượng ngữ pháp và lựa chọn cách dịch phù hợp nhất. Ngoài ra, cô cũng thường liên hệ nội dung trong sách với vấn đề thực tế, vừa mở rộng bài học, tránh sự khô khan, vừa cho học sinh cơ hội để chia sẻ góc nhìn và vốn sống. Bên cạnh đó, cô cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến bài khoá nhưng không có trong sách, để học sinh luyện tập diễn đạt, thoải mái đưa ra ý kiến. Tuy nhiên, số lượng câu hỏi này còn hạn chế. Cô nên đặt thêm nhiều câu hỏi hơn, đồng thời chuyển hoá phần luyện tập này thành dạng luyện tập theo cặp (một bạn đặt câu hỏi, một bạn trả lời) hoặc theo nhóm (cô đưa ra một câu hỏi tình huống mang tính lựa chọn, mỗi đội một lựa chọn và đưa ra lập luận để bảo vệ ý kiến của mình, bác bỏ quan điểm của đội bạn).
Khi chữa bài tập cuối bài, cô Trang lựa chọn một số bài mang tính then chốt và cơ bản nhất. Cô không đơn thuần yêu cầu học sinh đưa ra đáp án, mà còn yêu cầu các bạn lý giải cho cách làm của mình. Đặc biệt, cô hạn chế cho phéo học sinh dịch câu, dịch từ để làm bài, mà hướng cho các bạn sử dụng cấu trúc ngữ pháp, hiện tượng ngữ pháp để tìm ra đáp án. Với phương pháp này, học sinh vừa ghi nhớ được kiến thức ngữ pháp, vừa có thể ứng phó với mọi dạng đề bài ngay cả khi gặp từ mới.
 

3. Cô giáo Phạm Thị Thảo
 

Giống như thầy Châu và cô Trang, cô Phạm Thị Thảo có phương pháp giảng dạy cởi mở, tạo được không khí vui vẻ, thoải mái cho lớp học. Xen kẽ giữa những kiến thức bài học, cô thường xuyên trò chuyện với học trò như những người bạn, chia sẻ chuyện cuộc sống, lắng nghe và đưa ra lời khuyên, động viên cho các bạn.
Cô cũng đưa ra các câu hỏi gợi mở, yêu cầu học sinh đưa ra quan điểm; hoặc đưa ra hai hiện tượng ngữ pháp có tính tương đồng để học sinh phân biệt, ôn lại kiến thức cũ, ghi nhớ kiến thức mới. Mỗi khi nhắc đến một từ, cụm từ đã học, cô đều gọi một bạn lên bảng viết, để các bạn ôn lại cách viết chữ Hán.
Trong phần từ mới, cô Thảo giải thích kĩ từ loại, nghĩa Hán – Việt, nghĩa thuần Việt của từng từ, nói chi tiết cách sử dụng, kết hợp với từ loại nào hay từ nào cụ thể, đồng nghĩa, gần nghĩa hay trái nghĩa với từ nào. Sau đó, cô yêu cầu học sinh đặt câu với từ vừa học hoặc đưa ra một câu tiếng Việt và yêu cầu học sinh dịch sang tiếng Trung.
Khi giảng về ngữ pháp, cô Thảo luôn biến câu chữ giải thích trong sách thành dạng công thức và giải thích cặn kẽ, cụ thể. Đến khi làm bài tập ngữ pháp, cô cũng yêu cầu học sinh sử dụng công thức này để lý giải và tìm ra đáp án. Tuy nhiên, đối với dạng bài tập đặt câu theo mẫu, viết lại câu với từ cho sẵn, cô nên gọi một vài bạn lên bảng cùng làm, mỗi bạn một bài hoặc một vài câu trong một bài, để các bạn luyện khả năng viết chữ Hán, còn những bạn ở bên dưới cũng có cơ hội nhận xét bài của bạn và so sánh với bài làm của mình một cách trực quan hơn.
Trên đây là một số tích luỹ và góp ý của tôi đối với giờ giảng của các thầy cô. Do thời gian thỉnh giảng hạn chế, nên có thể một số nhận định còn chưa được toàn diện. Tuy nhiên, đối với cá nhân tôi, đây là những kinh nghiệm quý giá mà một người trẻ có thể học hỏi từ các thầy cô đi trước dạn dày kinh nghiệm.
Tư vấn hỗ trợ miễn phí 24/7!
Your name
Your email
Friend's email
Mail Subject
Content
Các tin liên quan
Bình luận Facebook
Đăng ký học thử MIỄN PHÍ
(Chương trình dành riêng cho các bạn muốn cải thiện trình độ NGHE và NÓI tiếng Trung của mình)
Gửi đăng ký
Gọi ngay Hotline để đăng ký nhanh hơn 09.4400.4400