Hotline 09.4400.4400

KHÓA HỌC TIẾNG TRUNG GIAO TIẾP TỪ ĐẦU SẮP KHAI GIẢNG

HỌC TIẾNG TRUNG GIAO TIẾP

Phong tục đón tết của người Trung Quốc (Phần 2)

23/01/2014 - 4881 lượt xem

Sau khi đã tìm hiểu về phong tục đón tết và lì xì năm mới của người Trung Quốc trong

Phần 2: Phong tục đón tết của người Trung Quốc (Phần 2)

Chúng ta cùng tìm hiểu những phong tục khác trong phần 2 này

3. Sủi cảo – bánh trôi

Sủi cảo (“giảo tử” 饺子 jiaozi) là thức ăn truyền thống mà người dân Trung Quốc tất ưa thích. Có câu tục ngữ: “nói hay không bằng nằm, ăn ngon không bằng sủi cảo”. Còn có câu tục ngữ : “lợi hại không bằng con dâu, ăn ngon không bằng sủi cảo”. Cho thấy sủi cảo hình như là món ăn ngon nhất đối với người Trung Quốc.
Theo phong tục ăn tết của vùng phía bắc Trung Quốc rộng lớn, ba mươi tết là phụ nữ trong nhà phải gói xong sủi cảo, đến sáng sớm mồng một tết cả nhà ngồi quây quần cùng ăn. Cho nên đến hai ngày hai mươi chín ba mươi tết các gia đình đều bận rộn thái rau mổ thịt, chuẩn bị làm nhân sủi cảo. Đến chiều giao thừa con gái trong nhà cùng ngồi với nhau vừa nói chuyện Nam tàu Bắc đẩu vừa gói sủi cảo; bọn con trai bị lôi cuốn bởi tiếng cười nói của phái nữ, tự giác gia nhập, vừa gói vừa trò chuyện. Bọn con nít cũng không chịu thua, cầm bột để người lớn dạy gói. Thật là một cảnh hòa thuận vui vầy, một bức tranh về phong tục tết khiến cho người ta ngây ngất.
sủi cảo - bánh bao
Có nơi tối đêm giao thừa là bắt đầu ăn sủi cảo rồi, sáng mồng một cũng ăn sủi cảo, mồng hai, mồng ba, sáng mồng năm cũng ăn sủi cảo. Không chỉ có người ăn sủi cảo mà sáng mồng một tháng giêng các con vật trong nhà cũng được ăn sủi cảo, chủ nhà nói với các con vật nuôi: “đánh một ngàn, mắng một vạn, mồng một năm canh ăn bữa cơm”, thể hiện lòng cảm thương của chủ nhà đối với con vật chịu cực khổ suốt năm.
Tại sao người Trung Quốc ăn tết lại thích ăn sủi cảo như vậy?
Sủi cảo, còn gọi là “biển thực” (扁食 bianshi), “thủy giác”(水角儿 shuijiaor),  “chử bột bột” (煮饽饽 zhubobo) v.v., ở miền nam gọi là “vằn thắn” (馄饨 huntun), nó có lịch sử lâu đời hơn hai ngàn năm ở Trung Quốc. Từ thời kỳ Tam Quốc, trong sách “Quảng nhã” của Trương Ấp nước Ngụy có ghi loại món ăn này, ông nói: “vằn thắn thời nay có hình giống như mặt trăng nằm ngửa, là món ăn phổ biến trong thiên hạ”. “Vằn thắn” thời đó đã là món ăn phổ biến trong cả nước, cho thấy vào thời đó nó đã có lịch sử tương đối lâu đời rồi. Điều càng khiến cho người ta ngạc nhiên là những nhà khảo cổ Trung Quốc vào năm 1968 ở vùng Tân Cương đã khai quật được sủi cảo bảo quản hoàn toàn tốt trong mộ táng đời Đường, hình dạng của nó hoàn toàn giống với sủi cảo ngày nay.
Sủi cảo vốn không phải là món ăn đặc biệt dành cho ngày tết. Nó trở thành món ăn mừng tết là có hai nguyên nhân: một là, trong điều kiện cuộc sống ngày xưa, người ta cho rằng sủi cảo là món ăn tốt nhất, cho nên ăn tết phải ăn sủi cảo; hai là, sủi cảo có hình giống như mặt trăng nằm ngửa, giống như thỏi bạc, là biểu tượng của tài phú, ngày tết ăn sủi cảo để cho năm mới may mắn phát tài.
Sủi cảo trở thành món ăn ngày tết không thể thiếu được là bắt đầu từ thời Minh. Đến đời Thanh phong tục ăn sủi cảo đã rất thịnh hành. Trong tài liệu sử đời Thanh có ghi: “giờ tý Nguyên đán, cùng thưởng thức bữa cơm thịnh soạn, như ăn ‘bianshi’, gọi  là ‘jiaozi’, có ý chỉ sự giao nhau của hai năm”. Còn ghi như sau: “mỗi khi đến mồng một, dù là sang giàu hay nghèo hèn đều làm sủi cảo bằng bột để ăn, gọi là “zhubobo”, cả nước đều như nhau không có sự khác biệt. Nhà giàu có phú quý lén để thỏi bạc nhỏ vào trong sủi cảo để đoán điềm lành, người trong nhà ai ăn phải thì đến cuối năm đều may mắn”. Đời Thanh ngày tết đều  ăn sủi cảo không phân biệt nghèo giàu sang hèn, cũng đã xuất hiện và tồn tại đến ngày nay phong tục dùng sủi cảo bói thuận lợi trong năm. Trong “Thanh bái loại sao” của Từ Kha nói: “trong có nhân, … chưng hoặc rán đều được, cho vào nước nấu làm canh gọi là sủi cảo.” Ông giới thiệu sủi cảo đời Thanh có ba cách làm đó là chưng, rán và nấu, cách làm như vậy cũng giống như ba cách mà ngày nay chúng ta thường thấy.
Sủi cảo từ sau đời Thanh trở thành món ăn ngày tết càng được mọi người ưa thích, cách chế biến, gia vị càng cầu kỳ hơn. Sủi cảo nhân không giống nhau ở các địa phương, tên gọi cũng vô số, có loại nhân thịt heo, có loại nhân thịt dê, nhân cá, v.v..
Do sủi cảo được làm rất tinh tế, đặc biệt thích hợp với người già răng kém, con dâu hiếu thuận ngày thường cũng thường hay nấu cho người già ăn, khi đến tết làm càng công phu hơn. Trong “Hương ngôn giải di” của Lý Quang Đình đời Thanh có một bài đồng dao miêu tả cảnh gói sủi cảo:
Mùa hạ qua, mùa thu đi,
Ngày xuân lại quay về,
Mau gói sủi cảo thôi.
Da phải mỏng, nhân phải nhiều,
Bà già ăn rồi cười ha ha,
Dâu con tốn chút công lo liệu.
Sủi cảo không chỉ là ăn ngon, mà còn có thể giúp đỡ người nghèo trốn khỏi kẻ đòi nợ hung ác vào ngày tết. Tục ngữ có câu: “cháo mồng tám tống giấy nợ, đường Đông quan mất mạng, sủi cảo cứu mạng”. Ý nghĩa của câu tục ngữ này là vừa ăn xong cháo mồng tám thì người đòi nợ đã đến cửa nhà rồi; thời gian sau khi đưa ông Táo đến đêm giao thừa, chủ nợ thúc giục con nợ khủng khiếp hơn, giống như là lấy mạng vậy; đến mồng một tết rồi không ăn sủi cảo vẫn có thể phải trả nợ, ăn xong sủi cảo tức coi như là tết rồi, chủ nợ không thể đòi được nữa. Nói như vậy ăn sủi cảo ngày mồng một tết còn là một dấu hiệu đón xuân.
Miền Bắc Trung Quốc thức ăn bốn mùa chủ yếu là mì, ngày xuân ăn sủi cảo là hợp tình hợp lý; nhưng các nơi ở miền nam Trung Quốc cơm gạo vốn là thức ăn chủ yếu, ngày tết không ăn sủi cảo mà ăn bánh trôi.
Trước tiên xem phong tục ở Hoài An - Giang Tô: sáng sớm mồng một tết công việc đầu tiên phải khẩn trương làm là đón thiên địa. Sau khi đón thiên địa thì đem ngay bánh trôi ra ăn. Có một truyền thuyết như sau: mỗi năm trong khắp thiên hạ sẽ có một nhà (điều kiện là có người hảo tâm làm điều tốt) được thần Tài ghé qua, bánh trôi sẽ biến thành vàng; người ta lúc phát hiện biến hay chưa biến thì không được la lên nếu không thì sẽ không biến thành được. Cách làm duy nhất là để vào một ít vàng, có lẽ là loại khuyên trâm của phụ nữ. Bánh trôi vào ngày này còn gọi là “hỷ hoan đoàn” ít nhiều gì thì cũng phải ăn, khi ăn thêm chút đường. Trên thực tế đoạn viết này của ông Lâu Tử Khuông nói lên nội hàm văn hóa quan trọng của tục ăn bánh trôi. Tức là bánh trôi có thể biến thành vàng. Chúng ta biết rằng trong thời gian dài thời cổ đại, vàng bạc đều là tiền tệ lưu thông, bạc được đúc thành những thỏi bạc, ở phần trên đã nói qua, hình dạng sủi cảo  ăn trong những ngày tết cũng tương tự như nó; vàng cũng đúc thành thỏi có hình mặt trăng nằm ngửa, chính giữa là hình cầu tròn, gọi là nguyên bảo. Bánh trôi lại giống như hình cầu tròn ở giữa của nguyên bảo. Ăn bánh trôi gửi gắm lòng mong cầu của con người được sang năm phát tài.
Hãy đến với phong tục ở Thiệu Hưng Chiếc Giang: “Nguyên đán không ăn cơm hay ăn cháo mà là ăn bánh trôi đã cúng thần thánh tổ tiên xong, điều này có ý nghĩa là “đoàn đoàn viên viên”. Trong sách còn giới thiệu: “chúc tết xong rồi, mọi người ăn bánh trôi, mang ý nghĩa đoàn viên”. Ở đây, ông Lâu Tử Khuông lại thể hiện hàm nghĩa văn hóa khác của bánh trôi là: biểu tượng đoàn viên. Gói bánh trôi có nhân đường, màu giống như ngọc trắng, thơm ngọt vị ngon, báo hiệu ngày cả nhà đoàn tụ ăn tết vui vẻ hạnh phúc.
Bánh trôi miền Bắc gọi là “nguyên tiêu”, là món ăn vào ngày tết nguyên tiêu của người miền Bắc, ở miền Nam thì không thể thiếu trong ngày tết. Bánh trôi được làm bằng bột nếp, trong có nhân làm bằng đường trắng, hạt vừng, đậu, v.v., để vào nước nấu. Có người tìm hiểu, nguyên tiêu có thể truy về từ thời kỳ Nam Bắc triều 1600 năm trước, dân gian truyền rằng nó nguồn gốc từ thời Tùy Dạng Đế. Đến đời Tống bánh trôi đã là món ăn mà người ta ưa thích. Trong “Thủy đoàn thập lục tự tán” của Trần Đạt Tẩu miêu tả: “đoàn đoàn bột cao lương, điểm điểm hạt vừng, tắm nổi trôi trong nước, vừa ngọt lại vừa thơm ”. Nhà thơ Khương Bạch Thạch đời Tống có bài thơ:
Quý khách câu liêm khán ngự nhai,
Thị trung trân phẩm nhất thời lai;
Liêm tiền hoa giá vô hành lộ,
Bất đắc kim tiền bất khẳng hồi.
“Trân phẩm” trong bài thơ là chỉ bánh trôi. Có thể nói thời đó bánh trôi không chỉ vừa ngọt vừa thơm mà còn rất được xem trọng, là món quý trong các món ăn.
Về bánh trôi, trong lịch sử cận đại còn có một câu chuyện vui, sau cách mạng Tân Hợi, Viên Thế Khải đoạt thành quả cách mạng lên làm đại tổng thống. Ông muốn khôi phục lại đế chế tự mình làm hoàng đế, nhưng sợ nhân dân cả nước phản đối, ngày ngày nơm nớp lo sợ. Bởi vì “nguyên” (元 yuan) đồng âm với “Viên” (袁yuan), “tiêu” (宵xiao) đồng âm với “tiêu” (消 xiao –tiêu tan), có điềm rằng tiêu diệt Viên Thế Khải, điều này không thể không làm cho ông hoảng sợ. Thế là tết năm 1913, trong thời gian sau tết nhưng chưa đến tết Nguyên tiêu, Viên Thế Khải đã ra lệnh nhất loạt đổi cách gọi “Nguyên tiêu” thành “thang đoàn” (汤团 tangyuan - bánh trôi). Cho nên phương bắc ngày nay còn gọi “nguyên tiêu” là “thang đoàn”, “thang viên” (đều là tên bánh trôi).
Bánh trôi có ngụ ý văn hóa rất hay, lại ngon miệng, đến nay người ta vẫn có tình cảm đặc biệt với nó, là món ưa thích không gì bằng. Không chỉ là lúc ăn tết, ăn lễ, mà ngày thường người ta cũng rất thích ăn, bánh trôi “khuyết áp cẩu” của Đinh Ba, “bánh trôi Lai”, “bánh trôi Quách” của Thành đô, bánh trôi của An Khánh đều là loại đặc biệt nổi tiếng, khoái miệng, rất được khen ngợi. Những nhà hàng khách sạn lớn ở Bắc Kinh, Thượng Hải bánh trôi là món ăn không thể thiếu.

4. Vui chơi ngày xuân

Trong những ngày xuân luôn luôn là tháng chạp bận rộn, tháng giêng nhàn hạ. Trước ngày mười lăm tháng giêng thường là không có việc gì để làm. Sau khi chúc tết lẫn nhau, người ta tham gia các hoạt động vui chơi đón mừng năm mới, số ít người tham gia biểu diễn, còn đại đa số làm khán giả dự xem, thưởng thức phần trình diễn, giao lưu với đoàn nghệ thuật.
Hình thức sớm nhất của trò vui chơi mừng xuân là hoạt động biểu diễn ông Táo. Trò chơi này có nguồn gốc từ “trăm trò chơi” đời Tần Hán, phát triển ở đời Đường và thịnh hành vào đời Tống. Phạm Thành Đại có câu thơ: “khinh bạc hành ca quá, điên cuồng Táo vũ trình”, “Táo vũ” trong câu thơ chính là cách gọi khác của trò chơi này. Đến hai đời Minh Thanh, tiết mục biểu diễn Táo càng phong phú. Theo tài liệu sử ghi, tiết mục Táo có hơn bảy mươi loại, như chơi rồng, múa sư tử, đi cà kheo, múa chèo thuyền, đánh trống bình an, v.v.. Sau đây sẽ giới thiệu một vài tiết mục vui chơi xuân thường gặp nhất.
Múa rồng, còn gọi là chơi đèn rồng, múa đèn rồng, là một trong những vũ điệu dân gian truyền thống của tộc Hán, đã sớm phổ biến từ đời Hán, trong những tiết mục biểu diễn “Táo hỏa” đời Đường Tống, múa rồng là một hình thức biểu diễn thường gặp.
múa rồng
Rồng là con vật thần được tạo ra bởi trí tưởng tượng của nhân dân lao động cổ đại Trung Quốc muốn thể hiện lý tưởng cuộc sống, gửi gắm nguyện vọng tốt đẹp. Rồng là hóa thân của kiết tường, là biểu tượng của mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Từ sớm đời Ân Thương, trên những đồ cúng bằng đồng đã khắc hình tượng rồng, nét khắc rồng trên đồ đồng đời Chu đã dần dần hoàn hảo. Có người miêu tả hình tượng con rồng thế này: “sừng hươu, tai ngưu, mắt thỏ, cổ rắn, bụng con trai, vẩy cá, chân hổ, vuốt chim ưng: là con rồng vậy”. Rồng có thể biến hóa muôn hình, xuất hiện trên trời dưới đất: “muốn nhỏ thì biến thành con tằm, muốn lớn thì che cả bầu trời, muốn ở trên thì vút lên mây xanh, muốn ở dưới thì xuống tận giếng sâu, biến hóa bất luận ngày đêm, lên xuống bất kể giờ khắc.” Trong truyền thuyết nói rằng rồng là vật thần lo việc mây mưa, “Tả truyện” nói: “Long, thủy vật dã” (Rồng, là con vật dưới nước).
Trung Quốc vốn lấy nông nghiệp lập quốc, mưa thuận gió hòa là điều kiện quan trọng để được mùa vụ. Nhân dân cổ đại để cầu được mưa thuận gió hòa, bốn mùa đều bội thu, đã lấy cây tre bó lại, bên ngoài buộc thêm vải lụa, làm thành rồng nhiều màu, một đám người giơ múa, gọi là múa rồng. Đời Tống xuất hiện “hỏa long” bên trong có đốt nến, trong “Mộng lương lục” của Ngô Tự Mục có viết: “… cỏ bó thành rồng, phủ vải xanh, phía trong cấm nến, trông giống như hai con rồng uốn lượn.” Qua sự sáng tạo của các nghệ nhân dân gian các thời đại, múa đèn rồng ngày nay đã phát triển thành một loại hình nghệ thuận hoàn mỹ, loại nghệ thuật múa dân gian có kỹ xảo biểu diễn và mang màu sắc lãng mạn, được đông đảo nhân dân ưa thích.
Trong những ngày xuân, đặc biệt là tết Nguyên tiêu múa rồng thịnh hành nhất. Rồng ngày nay thường gồm ba loại: một loại là rồng để xem, loại này là để cho người ta thưởng thức, cho nên trang trí đầu rồng rất công phu, thường có mười ba đến mười bảy đốt làm bằng vải lụa có thêu; loại thứ hai là rồng múa, làm loại này không phải để xem tỉ mỉ, vì khi múa vung lên vung xuống, qua trái qua phải; loại thứ ba là đèn rồng, đèn rồng cũng có từ mười ba đến mười bảy đốt, người ta làm lồng tre dán bằng giấy trong suốt, trong lồng thắp nến, đêm tối múa giống như rồng lửa, nhưng do không có “áo rồng”, lúc múa cần phải nối liền nhau theo thế.
Biểu diễn múa rồng trên cơ bản là có các loại “đơn long hí châu”, “song long thương châu” và “quần long trình tường”. Đầu rồng nặng khoảng hai mươi cân, do một người múa; thân rồng do nhiều đốt tạo thành, mỗi đốt gọi là một cấp, một cấp do một người múa. Cách làm rồng ngoài cách buộc vải lụa vào bó tre như đã kể trên, những năm gần đây do nhựa được dùng phổ biến, do đó cũng xuất hiện rồng nhựa có thổi hơi, màu sắc càng sặc sỡ, múa càng linh hoạt.
Về cách múa rồng, ở những địa phương khác nhau cách múa rồng cũng khác nhau, mang đặc sắc riêng. Những động tác thường thấy như “dẫn long xuất động” (dẫn rồng ra động), “long đầu xuyên hoa” (đầu rồng đội hoa), “song long thương châu” (hai con rồng giành ngọc châu), “thanh long thượng thăng” (rồng xanh bay lên), “bàn long” (rồng cuộn), “cổn long” (rồng lăn), v.v. rất nhiều kiểu. Khi múa bay nhảy, khi thì lên cao giống như muốn nhảy lên mây, khi thì xuống thấp giống như muốn nhảy xuống biển, rất ngoạn mục.
Nông thôn múa rồng còn có một thói quen là không chỉ múa ở trong thôn mà còn đến những thôn khác “thi múa rồng”. Ở thành phố múa đèn rồng phải múa qua khắp đường phố cảng, đến chúc tết từng nhà từng nhà, còn đến những nhà giàu có, quan lại múa rồng cuộn, mang đến điềm lành. Nhà nhà đều phải “đón rồng xanh”. Những năm gần đây, các địa phương đón tết cho đến tết Nguyên tiêu còn tổ chức du hành đèn lồng, cuộc thi múa rồng trên truyền hình. Mỗi đội múa rồng dân gian đều trổ tài thu hút đông đảo ngừơi xem.
Múa sư tử là tiết mục dân gian truyền thống của Trung Quốc. Chào đón ngày xuân trên khắp đất nước, múa sư tử cùng với tiếng trống vang lên khắp thành thị nông thôn.
Đối với người Trung Quốc sư tử là một động vật mang đến điềm lành, còn được gọi là “con vật may mắn”. Tuy nhiên sư tử không phải sinh ra ở Trung Quốc, nó sống ở đại lục Phi Châu cách Trung Quốc rất xa. Mãi đến đời Hán, ở Trung Quốc mới thấy có những ghi chép về loài vật này.
Nhân dân Trung Quốc từ xã hội nguyên thủy đã bắt chước tư thế của động vật để múa, gọi là “bách thú tề vũ”, đời Hán gọi là “bách hí”. Trong “Lễ nhạc chí – Hán thư” có “người tượng”, Mạnh Khang viết: “người tượng, giống như ngày nay chơi tôm cá, sư tử”. Nếu như cách nói này không sai, trong số người tượng lúc bấy giờ có người múa sư tử. Ở thời Nam Bắc triều, Bắc Ngụy mỗi khi đến ngày tượng Phật xuất hành, đều do người hóa trang “con vật may mắn” – sư tử trừ tà, đi đầu dẫn đường. Đến đời Đường phát triển thành điệu múa có tiết tấu, trong danh mục của có có “sư tử chín đầu”, “sư tử ngũ phương”, v.v.. Ngoài ra còn có người tìm hiểu nói rằng múa sư tử bắt đầu từ thời Tam Quốc, thịnh hành vào thời Nam Bắc triều. Bạch Cư Dị nhà thơ lớn đời Đường có bài thơ “Tây lương kỹ” miêu tả cảnh múa sư tử:
Tây lương kỹ,
Giả diện hồ nhân giả sư tử.
Khắc mộc vi đầu ti tác vĩ,
Kim độ nhãn tinh ngân tiếp xỉ.
Dịch nghĩa: mặt nạ ngừơi Hồ giả sư tử.
Lấy gỗ làm đầu tơ làm đuôi,
Mạ vàng con mắt, bạc dán răng.
Có thể thấy rằng múa sư tử đời Đường rất giống với múa sư tử ngày nay.
Múa sư tử có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc, hình thức đa dạng, và đã hình thành hai phái lớn đó là “múa sư tử miền Bắc”, và “múa sư tử miền Nam”.
Múa sư tử miền Bắc tương truyền vào thời Bắc Ngụy hơn một ngàn năm trăm năm về trước do người Hồ truyền vào trung nguyên, Ngụy Thái Võ đế gọi là “Bắc Ngụy thụy sư”. Múa sư tử miền Bắc về bề ngoài thì thật là giống sư tử thật, do hai người cùng múa một đầu sư tử, người múa sư tử phải giấu mình trong tấm da sư tử chỉ để lộ hai chân. Múa sư tử miền Bắc có phân con đực con cái, còn có phân thành con lớn con nhỏ. Con lớn là hai người múa, con nhỏ là một người múa. Khi múa có một người hóa trang thành võ sĩ (hoặc hòa thượng), tay cầm tú cầu điều khiển, đi quyền đá chân để hướng dẫn sư tử múa. Múa sư tử gồm những động tác như: lăn, nhào lộn, nhảy, triều bái, liếm đuôi, v.v., còn có các động tác kỹ xảo như lăn tú cầu, nhảy qua ván, leo lên lầu v.v..

trung tâm tiếng trung tốt tại hà nội
Múa sư tử miền Nam còn gọi là “Lĩnh Nam tỉnh sư”, phổ biến ở Quảng Đông, cho nên còn gọi là sư tử Quảng Đông. Sư tử ở các địa phương của Quảng Đông hình dạng không giống nhau lắm, như “sư tử gà trống” ở các nơi như Anh Đức, Thanh Viễn v.v.. Sư tử Quảng Đông nặng ở cái đầu, người biểu diễn giơ cái đầu sư tử múa, thân sư tử được làm bằng tấm vải đỏ, có một người khác múa ở đuôi sư tử, anh ta múa theo đầu sư tử. Người múa sư tử đều mặc các loại quần lồng đèn, mặc áo tay lồng đèn nút nhặt kiểu đời Đường hoặc áo may-ô, khi múa để lộ thế võ toàn thân, sinh động, hùng tráng, uy nghiêm.
Ngày nay múa sư tử không chỉ vào dịp tết, ngày thường cũng tổ chức khán đài biểu diễn, do màu sắc sặc sỡ và cách múa sinh động mà múa sư tử được nhiều người trong ngoài nước ưa thích.
Múa cà kheo, còn gọi là “chân cao”, “cao khiêu”, có nơi còn gọi là “cà kheo ương ca”, là vũ điệu dân gian phổ biến ở Trung Quốc. Người biểu diễn hai chân đi trên hai cái cây , trên mỗi cái cây có đóng một miếng ván nhỏ để đạp chân, chân đạp trên miếng ván nhỏ này, cách mặt đất khoảng hai ba thước, người có kỹ thuật cao có thể cách mặt đất năm sáu thước. Người biểu diễn đều hóa trang, tay cầm cây, quạt, khăn tay, xâu tiền v.v. múa tới múa lui một cách nhịp nhàng, có khi múa tập thể cả đội, có khi múa ba người, người đứng đầu đội gọi là “đầu nghiêu”, người này kỹ thuật cao nhất, ngoài việc điều khiển biến đổi đội hình, còn có thể múa độc lập, ở giữa đội hình làm nhiều động tác biểu diễn khác nhau. Những người biểu diễn phân các vai nam, vai nữ, vai nịnh, vai mạt (vai nam đứng tuổi), vai hề giống như trên khán đài hí kịch, trong đội thường là một nữ một hề hoặc một nữ một nam thành cặp, khi múa thành đôi không tách ra, hoặc xếp thành hàng đơn, hoặc liên tục thay đổi đội hình. Trong khi múa họ giống như là diên viên kịch câm, biểu diễn nhiều động tác, làm nhiều tư thế, bắt chước các nhân vật trong truyện như “tây sương ký”, “tây du ký”, “bát tiên quá hải”, làm cho người ta cười, mọi người đều yêu thích.
Ở phương Nam, múa cà kheo thuộc loại “ca cấy mạ”. Người hát đi cà kheo tránh ruộng mạ, bùn đất bắn tóe lên cả người, tay cầm quạt để giữ thăng bằng, mang âm hưởng của lao động sản xuất. Tư Trúc Tiều đời Thanh có bài “vịnh ương ca” miêu tả múa cà kheo như sau:
Tiệp túc cư nhiên trục đội cao,
Bộ hư ứng hứa khoái liên táo
Tiếu tha lập cước vô căn cứ,
Dã tại nhân gian tẩu nhất tao.
Loại nghệ thuật dân gian múa cà kheo đã lưu truyền từ thời xa xưa đến nay, tương truyền vào đời Hán đã có rồi, trong “bách hí” của Tùy Đường có viết về “trường nghiêu kỹ”, đây chính là múa cà kheo. “Trường nghiêu kỹ” đời Đường có thể đạp trên cà kheo năm sáu thước, nhảy múa trên dây, giống như là diễn viên tạp kỹ ngày nay múa cà kheo, đi dây sợi. Đến đời Tống múa cà kheo còn có đội múa cung đình để phục vụ các nhà quan quyền quý tộc thưởng thức. Nhà thơ Lý Điều Nguyên đời Thanh trong tập “Kim sơn thi” có bài thơ viết về trò chơi đi cà kheo ngày xuân, tả cảnh dân chúng náo nhiệt xem:
Chính nguyệt thập tứ phòng thị khai,
Thần tượng cao nghiêu nam thôn lai.
La cổ nhất thanh miếu môn xuất,
Quan giả như trừ thanh như lôi.
Hình thức nghệ thuật dân gian đi cà kheo này, dụng cụ rất đơn giản, không cần phải hạn chế trên khán đài, hình thức tự do linh hoạt, hương vị cuộc sống nồng đậm, rất được mọi người yêu thích.
Múa chèo thuyền, còn gọi là “chèo thuyền hoa”. Là một trong những điệu múa dân gian Trung Quốc. Những ngày xuân khắp thành thị thôn quê (chủ yếu là ở nông thôn) đều có thể thấy tiết mục múa chèo thuyền. Thuyền chèo thường làm bằng tre, phía ngoài trang trí vải màu rất đẹp mắt, vải cùng màu buộc ngang lưng người múa, giống như người đang ngồi trên thuyền, lại còn bắt chước động tác chèo thuyền nhấp nhô cái đầu, giống như cảnh chèo thuyền thật, cho nên có câu thơ “thuyền cạn lắc lư như thật” của nhà thơ Phạm Thành Đại đời Tống.
Múa chèo thuyền thường có hai người nam nữ múa đôi. Nếu người “ngồi thuyền” là cô gái, thì bên cạnh là người chàng trai tay cầm cây dầm làm động tác chèo thuyền, có động tác chống thuyền, cô gái thuận thế mà hô tương ứng với chàng trai, làm cho thuyền hoặc nhanh hoặc chậm hoặc tới hoặc lùi, biểu diễn nhiều động tác. Nếu người “ngồi thuyền” là chàng trai thì phía trước thuyền là cô gái cầm quạt múa uyển chuyển khiến chàng trai chèo thuyền đuổi theo, hoặc xoay đầu thuyền đến gần cô gái, làm động lòng người, rất dễ thương.
Lịch sử của múa chèo thuyền cũng rất lâu đời, trong “Minh hoàng tạp lục” đời Đường và “Thái bình ký” đời Tống đều có ghi, ngày nay múa chèo thuyền tuy không phổ biến bằng múa rồng múa sư tử, nhưng vẫn là tiết mục biểu diễn mừng xuân rất được mọi người yêu thích.

Tư vấn hỗ trợ miễn phí 24/7!
Your name
Your email
Friend's email
Mail Subject
Content
Bình luận Facebook
Đăng ký học thử MIỄN PHÍ
(Chương trình dành riêng cho các bạn muốn cải thiện trình độ NGHE và NÓI tiếng Trung của mình)
Gửi đăng ký
Gọi ngay Hotline để đăng ký nhanh hơn 09.4400.4400